Các ý tưởng đầu tiên Cải_tạo_Paris_thời_Đệ_nhị_đế_chế

Đại lộ Temple năm 1838, bức ảnh nổi tiếng của Louis Daguerre

Cho đến giữa thế kỷ 19, trung tâm thành phố Paris vẫn giữ nguyên quy hoạch có từ thời Trung Cổ. Thành phố thể hiện sự tương phản với công trình, tượng đài bên canh các khu nhà ổ chuột dột nát. Những con đường nhỏ hẹp gây khó khăn cho lưu thông và những ngôi nhà chen chúc trong các khu phố bẩn thỉu. Mật độ dân số một vài quận trung tâm lên tới gần 100.000 người trên một km². Đó là kết quả của hàng thế kỷ phát triển tùy tiện[1].

Đối mặt với tình trạng này, ngay trong thời kỳ Cách mạng Pháp, năm 1794, một Uỷ ban nghệ sĩ (Commission des artistes) đã thực hiện bản tái quy hoạch đầu tiên cho thành phố Paris. Theo bản quy hoạch này, một trục giao thông mới sẽ được xây dựng nối quảng trường Nation tới hàng cột của cung điện Louvre. Một trong các công trình được thực hiện dưới thời Napoléon là con đường mới chạy dọc vườn Tuileries, phố Rivoli, sau này được kéo dài dưới thời Đệ nhị đế chế đến tận Châtelet và phố Saint-Antoine. Trục đường mới này tỏ ra có hiệu quả hơn bản dự án của Uỷ ban nghệ sĩ. Vào cuối thập niên 1830, Claude-Philibert Barthelot de Rambuteau, tỉnh trưởng tỉnh Seine, đã chú ý tới sự cần thiết phải cải tạo tình trạng giao thông khó khăn và điều kiện sống thiếu vệ sinh trong các khu phố cổ đông đúc ở trung tâm Paris. Để "lưu thông không khí và con người", Rambuteau đã thực hiện dự án cải tạo đầu tiên cho khu trung tâm Paris, tuy nhiên những hạn chế về quyền lực hành chính đã làm Rambuteau không thể tiến hành ý định của mình.

Việc cải tạo Paris chỉ thực sự được bắt đầu sau khi Louis-Napoléon Bonaparte, cháu của Hoàng đế Napoléon, trở thành tổng thống Cộng hòa rồi Hoàng đế Pháp vào ngày 2 tháng 12 năm 1852. Ngay sau khi lên ngôi Napoléon III đã muốn thực hiện việc hiện đại hóa thủ đô nước Pháp, đặc biệt là sau khi chứng kiến sự sạch sẽ và các công viên rộng lớn của Luân Đôn, thủ đô Anh, vốn được quy hoạch dưới thời Cách mạng công nghiệp. Một nguyên nhân khác khiến Napoléon III xúc tiến dự án này là nhu cầu cải thiện điều kiện sống của dân nghèo Paris: mật độ dân cư tại một số khu phố đã lên tới 100.000 người chỉ trên một km², hơn thế họ còn phải sống trong điều kiện vệ sinh rất tạm bợ. Việc cải tạo cũng sẽ tạo ra việc làm, giảm bớt tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng, vốn là nguyên nhân dẫn tới các cuộc nổi loạn[1].

Người được Napoléon III tin tưởng trao trọng trách thực hiện dự án là Georges Eugène Haussmann, tỉnh trưởng tỉnh Seine từ năm 1853. Sự phối hợp giữa hai người đã dẫn đến thành công của dự án cải tạo Paris khi Napoléon III dùng quyền lực tối thượng của mình hỗ trợ Haussmann chống lại những người phản đối dự án. Còn về phía Haussmann với sự quyết đoán và lòng tin vào ý định của Napoléon III đã thực hiện một cách có hiệu quả công việc cải tạo thủ đô nước Pháp. Ngoài hai kiến trúc sư trưởng Napoléon III và Haussmann, dự án cải tạo Paris còn có sự tham gia của Victor de Persigny, bộ trưởng Bộ Nội vụ, người đã giới thiệu Haussmann với Napoléon và là người phụ trách vấn đề tài chính với sự giúp đỡ của anh em nhà Pereire; kỹ sư Jean-Charles Alphand và nhà làm vườn Jean-Pierre Barillet-Deschamps, hai người chịu trách nhiệm cải tạo các công viên và hệ thống cây xanh.

Trong kế hoạch của mình, Haussmann nhấn mạnh tầm quan trọng của Bản đồ Paris (Plan de Paris), do kiến trúc sư Deschamps chịu trách nhiệm. Các kiến trúc sư khác tham gia vào công trình là Victor Baltard (phụ trách Les Halles), Théodore Ballu (phụ trách Nhà thờ Chúa ba ngôi), Gabriel Davioud (phụ trách nhà hát ở quảng trường Châtelet) và Jacques Ignace Hittorff (phụ trách Gare du Nord).